Nắng nóng kéo dài gần một tháng qua, làm 1.000 ha lúa cùng hàng trăm héc-ta hoa màu ở Thừa Thiên Huế đối diện với hạn mặn gay gắt
Nỗi lo thiếu nước phục vụ cho nông nghiệp
Mới bước vào vụ hè thu, đối diện với nắng nóng gay gắt, hàng trăm bà con nông dân ở các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) phải huy động hết cả máy bơm, sức người để chống hạn.
Nhiều nơi dù mới gieo cấy nhưng ruộng đồng khô khốc, nguy cơ ảnh hưởng mùa màng rất cao. Là các địa phương thường xuyên không chủ động nguồn nước tưới, sản xuất nông nghiệp ở các xã ven biển, đầm phá vốn đã khó khăn, nay càng chật vật hơn.
Mồ hôi nhễ nhãi giữa cái nắng trưa hè, lúi cúi quay máy bơm, ông Nguyễn Tuyên (thôn 2, xã Quảng Ngạn) cho biết, vừa kết thúc mùa vụ trước, ông cùng gia đình khẩn trương làm đất, chuẩn bị gieo cấy vụ hè thu.
Năm nay nắng hạn gay gắt, kéo dài, 15 sào lúa của ông Tuyên đối diện nguy cơ khô hạn rất cao. Cả tuần nay, chiếc máy bơm chạy dầu của ông Tuyên nẹt pô hết công suất.
Lo ngại nhất là mực nước ở các ao hồ trên địa bàn xuống rất thấp nên có nguy cơ thiếu nước vào giữa vụ.
Theo tính toán của người dân nếu nắng hạn diễn ra gay gắt thời gian tới, trên địa bàn hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn có khoảng 50 ha lúa bị thiếu nước nghiêm trọng.
Ở các địa phương thuộc khu vực 3 huyện Phú Lộc, do đồng ruộng manh mún, không tập trung. Sản xuất nông nghiệp ở đây chủ yếu “nhờ trời” nên tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên khi bước vào mùa vụ.
Nắng hạn cùng nguy cơ nhiễm mặn ở những diện tích ruộng thuộc các xã nằm ven đầm phá, cửa sông, cửa biển cũng đang diễn biến phức tạp. Có mặt tại xã Hương Phong, Hải Dương (Thị xã Hương Trà), Phú Thanh (huyện Phú Vang) mới thấy nỗi khốn khó của bà con làm lúa.
Nằm ở cuối hạ nguồn sông Hương, trong điều kiện nắng hạn gay gắt, mực nước trên sông Hương xuống thấp, kết hợp với triều cường đã gây nhiễm mặn trong đồng ruộng.
Ông Trần Viết Én - Chủ tịch UBND xã Hương Phong - cho biết: Nếu nắng hạn gay gắt, tiếp tục kéo dài như thời gian gần đây kết hợp triều cường thì trên địa bàn xã có khoảng 20 ha lúa ở khu vực Bàu Su và một số nơi có nguy cơ nhiễm mặn rất cao.
Cả tỉnh gồng mình chống hạn
Tại huyện Quảng Điền, ông Hoàng Vọng - Phó Trưởng phòng NN&PTNT - cho biết: Hơn một tuần nay, các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Công, Quảng Ngạn, người dân tích cực nạo két kênh mương, thủy lợi nhằm đảm bảo phòng chống hạn, nhất là vào giữa vụ hè thu.
Các địa phương đã đưa vào vận hành các máy bơm dầu 24/24 giờ để đưa nước vào đồng ruộng đảm bảo gieo cấy vụ hè thu.
Hướng dẫn người dân triển khai tôn cao, be bờ đê, ao hồ để tranh thủ tích trữ nước khi có mưa; đồng thời sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước tránh lãng phí.
Ông Nguyễn Văn Toại (xã Quảng Thái) cho biết: Đối diện với khô hạn, bà con tốn nhiều chi phí sản xuất hơn. Nhưng không nỗ lực cứu đồng ruộng, với cái nắng kéo dài như thế này, ra giữa vụ thiếu nước, xoay không kịp xem như trắng tay.
Tại các vùng ven biển, đầm phá thuộc huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà, các HTX, người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống nhiễm mặn đồng ruộng.
Tại xã Hương Phong, Chủ tịch UBND xã Trần Viết Én cho biết đã chỉ đạo các HTX kiểm tra tất cả hệ thống cống, rãnh trên các đồng ruộng, ngay đầu vụ, xử lý những khe hở tránh xâm nhập mặn vào đồng ruộng.
Tại cống Bàu Su, nơi thường bị rò rỉ nước mặn đã được HTX Nông nghiệp Thuận Hòa xử lý triệt để. HTX cử cán bộ túc trực thường xuyên nhằm chủ động, đóng mở cống kịp thời khi triều cường.
Ông Đỗ Văn Đính - Giám đốc Công ty TNHHNN một thành viên Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết:
Vụ hè thu 2014, kế hoạch của tỉnh gieo cấy 26.300 ha. Nếu nắng hạn gay gắt, kéo dài thì trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 1.000 ha lúa hè thu có nguy cơ khô hạn nặng, gây thiệt hại lớn.
Ngay những ngày mới bước vào vụ thời tiết đã diễn biến phức tạp, nắng nóng làm mức nước trên các hồ, các sông sụt giảm rất mạnh, đặc biệt các hồ chứa ở các huyện Phong Điền, Hương Trà, các hồ ở vùng cát, ven đầm phá.
Trên triền sông, nước trên sông Đại Giang, Thiệu Hóa, Như Ý, có lúc đã xuống dưới -0,1; sông Ô Lâu mực nước đã xuống dưới mức cốt 0.
Trước tình hình như vậy, Công ty đã chủ động mở nước hồ Truồi với lưu lượng 10,5 m 3 /s, liên tục trong một tuần qua, bổ sung nguồn nước ngọt, nâng cao trình sông Đại Giang, Thiệu Hóa lên từ -0,1 lên +0,3; trên sông Hương, sông Bồ, chúng tôi phối hợp với hồ Tả Trạch, nhà máy thủy điện, chắn giữ đập Thảo Long, cộng với hệ thống cống giữ ven phá, nhờ đó, trong thời gian qua, mực nước các sông đã giữ cao trình +0,4 - 0,5. Nhờ đó, các địa phương đã lấy nước đổ ải được 80% diện tích.
“Riêng mực nước sông Ô Lâu thời giam qua sụt giảm rất nhanh, do nắng nóng bốc hơi, thượng nguồn không có mưa để bổ sung, vì vậy một ngày mức nước sụt giảm đến 5 cm, so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,3 m. Vì vậy, nguồn nước tưới cung cấp cho các trạm bơm ở các nhánh sông đang thiếu hụt nghiêm trọng”. Ông Đỗ Văn Đính - Giám đốc Công ty TNHHNN một thành viên Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế.