Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước, đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, chủ động phòng chống và giảm thiểu đến mức tối đa các rủi ro thiên tai do nước gây ra.
Đồng thời, chọn bước đi đầu tư xây dựng công trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua Quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Tổng kinh phí đầu tư là 11.939 tỷ đồng
Sử dụng hiệu quả nguồn nước
Theo UBND tỉnh, Quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 được xây dựng trên cơ sở định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam, Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình thủy lợi (QCVN 04-05-2012).
Mục tiêu chính là từng bước hoàn thiện hạ tầng hệ thống công trình thủy lợi; hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; góp phần xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu các thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực do nước gây ra đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong tương lai. Đồng thời, là cơ sở để các địa phương, các ngành xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển thuỷ lợi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo giai đoạn phát triển kinh tế từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu cụ thể là điều tra, đánh giá tình hình khai thác nguồn nước trên dòng chính gồm: các công trình tạo nguồn, công trình lấy nước trên dòng chính, công trình ngăn mặn cửa sông; đánh giá sự phù hợp của các bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Tả Trạch, sông Hữu Trạch; sông Bồ, sông A Sáp; xem xét khả năng bổ sung các công trình lợi dụng tổng hợp nhằm tạo nguồn nước, phòng lũ, phát điện trên lưu vực. Đề xuất các giải pháp đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 38.943,2ha đất canh tác (trong đó có 32.451,8ha lúa 2 vụ, 6.482,4 đất hoa màu và trồng cây lâu năm), với mức bảo đảm từ 75% tăng dần lên 85%; cấp nước cho khoảng 6.000ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ. Cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho hơn 01 triệu người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 90% người dân được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn quy định QCVN02/BYT. Cấp đủ nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh...Ngoài ra, đảm bảo tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho các vùng thấp trũng, các khu công nghiệp, khu đô thị; đảm bảo chủ động phòng chống lũ, giảm nhẹ thiên tai cho khu vực dân cư và sản xuất; đảm bảo môi trường bền vững vùng dự án khi thực hiện quy hoạch.
Tổng kinh phí đầu tư 11.939 tỷ đồng
Quy hoạch được phân 13 vùng quy hoạch cụ thể căn cứ vào vị trí địa lý và quản lý hành chính của từng địa phương. Tổng kinh phí đầu tư ước tính 11.939 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác...(chưa bao gồm kinh phí cấp nước sinh hoạt và công nghiệp). Trong đó, kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 9.456 tỷ đồng; đầu tư cho ứng phó biến đổi khai hậu và tình hình sạt lở 2.037 tỷ đồng...Giai đoạn 2017- 2025, tổng vốn đầu tư khoảng 6.040 tỷ đồng và 5.899 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2035.
Các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, việc Quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật. Đề án đã được nghiên cứu công phu, xuất phát từ góc nhìn tổng quan, được cập nhật, đánh giá đầy đủ và đúng hiện trạng phát triển thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đề án cũng đề xuất cụ thể quy hoạch thành phần như quy hoạch cấp nước, quy hoạch tiêu úng, quy hoạch phòng chống lũ, các hồ chứa cắt lũ, hệ thống đê và 06 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch có tính khả thi cao. Nhất là, đề án đã tính toán tác động của kịch bản biến đổi khí hậu - nước biển dâng ở Việt Nam ảnh hưởng đến tỉnh Thừa Thiên Huế; tính toán cân bằng nước để quy hoạch cấp nước, quy hoạch tiêu thoát và quy hoạch phòng chống lũ.
Các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị, trong quá trình thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo một số nội dung như tiếp tục đánh giá quy trình vận hành liên hồ chứa để đề xuất các giải pháp hợp lý, giảm thiểu thiệt hại vùng hạ du; rà soát, đánh giá kỹ hơn hiện trạng cấp nước cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn để đề xuất các phương án đầu tư có tính khả thi, góp phần nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng đầm phá Tam Giang - Câu Hai. Đồng thời, quan tâm huy động các nguồn lực để ưu tiên thực hiện các công trình ở vùng Phong Chương, Phong Bình (huyện Phong Điền) và vùng Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phú, Quảng Phước, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); tính toán thêm phương án Xây dựng hệ thống kiểm soát lũ Phò Nam, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đảm bảo khả năng tiêu thoát chung cho toàn vùng.
Bên cạnh giải pháp đầu tư các công trình phòng chống lũ, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp phi công trình để tăng khả năng phòng lũ như trồng rừng, bảo vệ rừng để nâng độ che phủ; tăng cường năng lực cứu hộ, cứu nạn; tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo lũ...Nhất là, có chính sách đối với nhân dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ; xây dựng bản đồ ngập lụt theo các kịch bản xả lũ các hồ chứa thượng nguồn kèm theo phương án sơ tán dân theo các kịch bản...