Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp
Hiện nay mực nước trên các sông đang xuống chậm và dao động ở mức cao. Mực nước lúc 4h giờ ngày 06/11/2017 trên các sông cụ thể như sau: Sông Hương tại Kim Long 3,64 m; trên báo động 3 là 0,14m; Sông Bồ tại Phú Ốc 4,41 m; dưới báo động 3 là 0,09m; Sông Tả Trạch tại Thượng Nhật 59,46 m; Sông Ô Lâu tại Phong Bình 2,5 m; Sông Truồi tại Cầu Truồi 2,83 m. Theo dự báo từ Đài khí tượng Thủy văn tỉnh thì đến trưa nay (6/11) lũ trên các sông tiếp tục xuống chậm và dao động ở mức cao. Cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi của các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc và ngập lụt sâu, thời gian kéo dài nhiều ngày ở các vùng thấp trũng của huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Thành phố Huế.
Nhiều địa phương bị ngập sâu trong nước
Trong ngày 5/11, tại thành phố Huế, hơn 80% tuyến đường đã bị ngập với chiều sâu trung bình từ 0,2-0,4m. Trong đó các tuyến đường Hùng Vương, Bến Nghé, Đống Đa ngập sâu từ 0,4-0,6m gây ách tắc giao thông. Tại huyện Phong Điền, tỉnh lộ 17 đi qua Phong Mỹ bị ngập nhiều đoạn với chiều dài hơn hơn 1,5 km, độ sâu ngập trung bình tư 0,8 – 1,5m; tuyến Quốc lộ 49 đoạn qua xã Phong Bình ngập sâu từ 0,3-0,5m với chiều dài 300-500m. Tại thị xã Hương Thủy bị ngập diện rộng với diện tích trên 40%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4-0,8m; có nơi ngập sâu từ 0,8-1,2m. Tại huyện Phú Vang nhiều tuyến đường giao thông bị ngập với độ sâu trung bình từ 0,4-0,8m gây cản trở giao thông; Các tuyến tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 10C, tỉnh lộ 2, Quốc lộ 49A, tuyến đường nối tỉnh lộ 2 đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5-0,7m với tổng chiều dài hơn 10km. Tại huyện Phú Lộc, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì bị ngập sâu từ 0,6-0,7m, kéo dài từ Cầu 2 đến trước mặt UBND xã Lộc Trì gây ách tắc trong nhiều giờ liền. Tại huyện A Lưới, đường Hồ Chí Minh bị ngập 2 đoạn tại xã A Ngo, trên đèo Fe Ke bị sạt gây tắc đường. Tại thị xã Hương Trà hơn 20km đường giao thông bị ngập với độ sâu trung bình từ 0,3-0,7m, có nơi trên 1m...
Nhiều tuyến đường tại thành phố Huế ngập sâu trong nước (ngày 05/11)
Chủ động từ cơ sở
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, toàn tỉnh đã tiến hành sơ tán, di dời 1559 hộ, trong đó thành phố Huế 81 hộ, 319 khẩu; huyện Nam Đông 12 hộ, 49 khẩu; huyện A Lưới 108 hộ, 540 khẩu; huyện Quảng Điền 129 hộ; 255 khẩu; huyện Phú Lộc 234 hộ, 1.082 khẩu; huyện Phú Vang 68 hộ, 230 khẩu; huyện Phong Điền 404 hộ, 1.578 khẩu; huyện Hương Trà 129 hộ, 668 khẩu. Tất cả các phương tiện tàu cá của tỉnh đã vào bờ neo đậu an toàn...
Chiều 5/11, theo yêu cầu của UBND tỉnh, để đảm bảo an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo đã cho tất cả trường học, cơ sở giáo dục thuộc các cấp học sinh trong tỉnh được nghỉ học vào ngày 6/11. Sở GD&ĐT đề nghị phòng GD&ĐT các huyện, thị xã và TP. Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão lũ; thông tin kịp thời, đầy đủ đến lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh; nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Ngay trong sáng và chiều ngày 5/11, lãnh đạo tỉnh đã kịp thời có mặt, kiểm tra tình hình mưa lũ tại các địa phương đồng thời chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lớn xảy ra trên địa bàn. Tại các điểm kiểm tra, lãnh đạo tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương tăng cường cảnh báo cho người dân biết về tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, các địa phương phải túc trực, tuyệt đối không chủ quan, chủ động các phương án tránh những thiệt hại đáng tiếc, nhất là về con người. Sau lũ các địa phương nhanh chóng tổng hợp và đề xuất phương án xử lý, khắc phục thiệt hại.
Tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy công tác chủ động ứng phó là hết sức quan trọng, đặc biệt là người dân không được chủ quan để tránh các thiệt hại đáng tiếc xảy ra.