Chiều ngày 6/11, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống, thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về khắc phục hậu quả cơn bão số 12 và tình hình mưa lũ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành và UBND thành phố Huế.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 là cơn bão mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa), đổ bộ vào đất liền tại khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa vào sáng ngày 4/11, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây gió giật mạnh nhất cấp 12 - 13; kèm theo gây mưa lớn từ 400 - 600 mm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 300 - 500 mm tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ 200 - 300 mm tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Nhằm đối phó với cơn bão này, Ban chỉ đạo Trung ương đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương tăng cường chỉ đạo với 14 nội dung cụ thể, nhất là tập trung vào công tác bảo vệ và điều tiết các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các phương án phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tuy nhiên, thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra là rất lớn, cùng với đó do ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa lớn, ngập lụt và xảy ra đợt lũ lớn trên các sông từ Thừa Thiên Huế trở vào. Đến thời điểm này, có 46 người chết, 15 người bị thương, hơn 1.350 nhà bị sập đổ và hàng trăm nghìn nhà bị tốc mái, hư hỏng; hệ thống lưới điện, thông tin bị hư hại nặng nề. Ngoài ra, còn có 1286 tàu thuyền bị chìm, hàng chục nghìn lồng bè bị thiệt hại… Hiện các địa phương đã huy động tối đa các lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là sửa chữa nhà ở cho người dân. Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo cho người dân ở các địa phương bị thiệt hại lớn để không bị thiếu đói sau bão lũ.
Tại buổi họp, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng đã báo cáo tình hình triển khai các phương án ứng phó và những thiệt hại sau bão số 12. Báo cáo sơ bộ về tình hình phòng chống mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bí thư Tỉnh ủy Lê trường Lưu cho biết, trong những ngày qua do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 12 và không khí lạnh có cường độ mạnh đã gây mưa rất to trên địa bàn. Hiện các địa bàn vùng thấp trũng của Tỉnh bị ngập lụt sâu từ 06 - 08m; có 6 người chết, 3 người bị mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập nước; hệ thống hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn đảm bảo an toàn, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa. Hiện nay, nước lũ đang xuống dần, Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai ngay các biện pháp khắc phục thiệt hại theo phương án “4 tại chỗ”. Tỉnh đề nghị, Trung ương hỗ trợ thuốc tiêu độc cho vùng ngập lụt và hỗ trợ gạo cho người dân vùng ngập lụt; các bộ, ngành sớm khắc phục các công trình giao thông quốc gia bị hư hại để đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ sản xuất.
Kết luận buổi họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chỉ đạo đối phó cơn bão số 12 và tình hình mưa lũ với tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt đã không có công trình thủy lợi, thủy điện bị hư hại. Sau bão lũ là dịch bệnh, đói kém vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đồng bộ, quyết liệt để nhân dân không bị đói, bị dịch bệnh, sớm trở cuộc sống bình thường, đặc biệt đảm bảo cho hội nghị APEC diễn ra an toàn; hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc hỗ trợ nhân dân và phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong nhân dân vươn lên khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung khắc phục hậu quả, trong đó ưu tiên 5 nội dung chính là điện, đường, nước sạch, gạo và y tế nhằm ổn định ổn định cuộc sống cho nhân dân, Chính phủ sẽ có hỗ trợ gạo cho các địa phương; đặc biệt cần phải làm ngay công tác vệ sinh mô trường, đề phòng dịch bệnh sau lũ. Các bộ, ngành phải trực tiếp xuống tại các địa phương để xử lý các thiệt hại do thiên tai gây ra…
Sau buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đề nghị các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết để có sự chuẩn bị tốt các phương án phòng chống thiên tai; tiếp tục theo dõi các vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất đá để cảnh báo người dân, đặc biệt là phương án điều tiết các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện. Đồng thời tổng hợp thiệt hại, tổ chức lực lượng tìm kiếm những người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi gia đình có người chết, bị thương và khó khăn sau mưa lũ. Các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp tiêu trùng khử độc, vệ sinh môi trường và đảm bảo nước sạch cho nhân dân (ảnh dưới).